Mặt quỷ, Ðơn mặt quỷ, Nhàu tán – Morinda umbellata L., thuộc họ cà phê – Rubiaceae.
Bộ phận dùng: Rễ, lá và toàn cây – Radix, Folium et Herba Morindae Umbellatae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Trung Quốc và Việt Nam. Thường gặp mọc ở các bờ đất dưới chân đồi ven suối, ven rừng đồng bằng, dưới tán các cây gỗ. Cũng gặp mọc bò trên các cây bụi ở nơi đất khô trãi nắng miền trung du từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hoà Bình, Ninh Bình qua Thanh Hoá, Nghệ An đến Gia Lai. Thu hái rễ vào mùa xuân, mùa thu, rửa sạch, loại bỏ rễ con, ngâm nước ấm, cắt ngắn rồi phơi.
Thành phần hoá học: Rễ chứa glucosid và các dẫn xuất anthraquinone.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, ngọt, tính hơi nóng; có tác dụng thanh nhiệt, tả hoả, giải độc, ích thân, cường cân cốt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ðược dùng trị mụn nhọt, lỵ, mẩn ngứa, ghẻ lở ngoài da. Còn dùng tẩy giun sán.
Ở Hoa Kỳ, rễ được dùng như một chất xổ mạnh.
Ở Ấn Ðộ, lá phối hợp với một số chất thơm sắc nước uống dùng trị ỉa chảy và lỵ.
Ở Trung Quốc, theo Hải Nam thực vật chí, cả cây bỏ rễ trị sốt, ho, cầm máu, trị đau dạ dày, viêm gan cấp, ngoại thương chảy máu, còn dùng trị đau lưng, tê thấp. Liều dùng 10-15g sắc uống.
Ở Inđônêxia dùng trị đau bụng, ỉa chảy, bệnh về cơ quan tiết niệu, bệnh đái đường bệnh tê phù, bệnh lao phổi, đau ngực, ho, đau gan, trị các vết cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Ðơn thuốc: Trị thấp khớp: Mặt quỷ, vỏ xà cừ, rễ Cỏ xước, rễ Chổi sể đồng 10g sắc nước uống.
(Nguồn tham khảo: Những Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Xuất bản lần thứ 12. – Hà Nội: y học, 2004.GSTS Đỗ Tất Lợi).
* Tùy cơ địa mỗi người mà thảo dược sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.